Suối Cẩm Lương bắt nguồn từ trong lòng dãy núi đá vôi với chiều dài khoảng 150m, nơi rộng nhất 6m, đáy là một lớp đá cuội, không có bùn, nước trong vắt, mực nước sâu từ 50 – 80cm. Theo những phân tích của các nhà ngư loại học, đàn cá ở đây gồm các loài cá chài, cá mại, đặc biệt là cá dốc (tên khoa học là Spinibarbichthys denticulatus - thuộc bộ cá chép, có tên trong sách đỏ Việt Nam). Cá có hình dáng, màu sắc rất lạ, có những con nặng tới hàng chục kilôgam, ngoài mang có vành đỏ giống như được đeo khuyên tai, đuôi chấm đỏ viền xanh, vẩy bạc lấp lánh. Chúng xuất hiện nhiều nhất vào buổi sáng sớm, số lượng đến vài nghìn con, chúng bơi ra suối từ hang ngầm trong lòng núi qua một cửa hang hẹp, chiều tối lại trở về lòng núi qua cửa hang này. Thức ăn chủ yếu của cá là rêu và lá cây hai bên bờ rụng xuống, mùa sinh sản vào tháng 4, tháng 5 âm lịch. Cá sinh sản trong hang, những con cá lớn đến tầm 2kg thì theo đường cửa hang bơi ra suối nhưng cũng chỉ bơi lội trong suối mà không bơi ra ngoài. Tin rằng cá mang lại những điều tốt lành nên người dân địa phương không bao giờ bắt cá để ăn hoặc đem bán, vì vậy số lượng đàn cá ở đây ngày một thêm đông đúc.
Bên cạnh suối cá, hệ thống rừng nguyên sinh ở đây vẫn còn được giữ nguyên vẹn với nhiều loài động thực vật đặc trưng của vùng nhiệt đới thuộc dãy núi đá vôi Pù Luông – Cúc Phương. Đặc biệt, dọc dãy núi Trường Sinh còn có nhiều hang động nguyên sơ, tại đây, du khách được tận mắt chiêm ngưỡng những khối thạch nhũ "đăng châu" lấp lánh như kim cương, khi được soi đèn pin sẽ phản quang sáng cả một vòm hang như có hàng trăm cây đèn bật sáng.
Được biết đến từ năm 1994, nhưng tới năm 2000, khu du lịch suối cá Cẩm Lương mới bắt đầu đón tiếp du khách. Năm 2006 có tới 55.000 lượt du khách về thăm suối cá, tổng thu ngân sách từ du lịch đạt 440 triệu đồng. Từ đầu năm 2007 đến nay, suối cá đã thu hút khoảng 40.000 lượt khách. Chỉ tính riêng dịp tết Đinh Hợi vừa qua, trung bình mỗi ngày có từ 3.500 đến 5.000 lượt khách đến tham quan. Nhờ phát triển du lịch mà địa phương đã giải quyết việc làm cho hàng trăm lao động với mức thu nhập bình quân từ 700 đến 1.500.000 đồng/người/tháng.
Tuy vậy, phát triển du lịch cũng ảnh hưởng không nhỏ tới môi trường sinh thái. Tình trạng khách du lịch cho cá ăn bừa bãi làm ô nhiễm nguồn nước do nguồn thức ăn dư thừa. Đặc biệt, 520ha rừng đầu nguồn đang đứng trước nguy cơ bị lâm tặc tàn phá làm ảnh hưởng nghiêm trọng tới nguồn nước của suối cá.
Chính quyền địa phương cũng đang tích cực quan tâm tới việc đảm bảo an ninh trật tự, vệ sinh môi trường. Bên cạnh đó, phát triển du lịch sinh thái cũng được chú trọng đầu tư. Theo quy hoạch chi tiết, khu du lịch suối cá có diện tích 20ha do UBND huyện Cẩm Thủy làm chủ dự án với tổng vốn đầu tư trên 41 tỷ đồng sẽ xây dựng Làng Văn hóa các dân tộc gồm 26 ngôi nhà sàn truyền thống của người Thái và người Mường làm chỗ lưu trú cho du khách cùng khu dệt vải thổ cẩm, bán những sản phẩm làm từ thổ cẩm và nhiều công trình phụ trợ khác. Hiện nay, cầu treo Cẩm Lương nối quốc lộ 217 với đường vào suối cá cũng vừa hoàn thành và đưa vào sử dụng góp phần thu hút đông đảo khách du lịch./.
Bản sắc của khu du lịch Suối Cá Cẩm Lương: Thật hay lại không phải là những Thổ Cẩm được dệt theo cách công nghiệp, cũng chẳng phải là Cơm Lam, cũng không đúng là những món quà lưu niệm mang tính địa phương mà mua ở Hạ Long nói là ở Cẩm Thủy cũng được, nghiêm túc hơn thì chưa hẳn đã là món cá sông hấp đu đủ trứ danh miền sơn cước này, càng không thể nói đến thịt rừng bởi thịt thú rừng bây giờ là đặc sản của người city mà mấy ông gần rừng muốn ăn phải đổ về đó.
Bản sắc của khu du lịch này chính là ở những hướng dẫn viên nhí tuổi chưa quá 15. Với lối hướng dẫn hồn nhiên nhưng cũng không kém phần chuyên nghiệp cho ta cảm giác như đang được chính những thiên thần hướng dẫn cho xem chốn hoang tiên.
Đến một lần đi để mà thẩm nhận những giá trị đó. Đừng quá kỳ vọng vào những gì không thực tế hay thiên đường ở một khu du lịch đang manh nha phát triển mà hãy đi để mà hiểu những giá trị khác còn tiềm ẩn trong lớp vỏ thô mộc, xù xì của những con người và sắc thái văn hóa nơi đây.
Xã Cẩm Lương (huyện Cẩm Thủy) cách tỉnh lỵ Thanh Hóa khoảng 80 km. Vùng này nổi tiếngvới hang cá thần suối Ngọc, động Tăng, tạo nên sức hấp dẫn của một vùng thắng tích.
Cẩm Lương có suối Ngọc nổi tiếng từ lâu. Ngay trên bờ suối Ngọc là đền Ngọc, xây dựng từ thế kỷ 14, đã nhiều lần được trùng tu, lần mới nhất vào năm 1928, nay còn vết tích. Theo truyền thuyết địa phương, vị thần được thờ ở đền Ngọc là chàng rắn có công đánh thủy quái bảo vệ dân làng. Qua đền Ngọc, du khách sẽ được chiêm ngưỡng vẻ đẹp của suối Ngọc từ trong lòng dãy núi Trường Sinh, chảy qua một hang đá đổ ra mó Ngọc. Hang là thế giới của "cá thần" sinh sống. Nếu là người may mắn, bạn sẽ nhìn thấy rất nhiều "cá chúa", mang có vành đỏ như đeo vòng tai, quanh mắt có viền xanh đỏ, nặng từ 30 đến 40 kg. Bởi hình dáng to lớn nên ngày thường "cá chúa" không chui khỏi cửa hang được. Ðến mùa nước lớn, nhiều người thấy "cá chúa" ra khỏi hang bơi lội ngoài mó Ngọc.
Cá ở suối Ngọc rất nhiều, có người ước tính hàng nghìn con, lớn đến 2,5-3 kg, thường xuyên bơi lội ở suối Ngọc trước đền Ngọc. Dân quanh vùng không ai bắt cá để ăn, vì vậy cá ở đây rất dạn người. Ðáy suối Ngọc được thiên nhiên "lát" bằng lớp đá cuội sáng lấp lánh. Dòng nước trong suốt không bao giờ cạn, sâu từ 50 đến 80 cm, quanh năm trong vắt. Suối Ngọc từ lâu trở nên nổi tiếng, là niềm tự hào về cảnh đẹp quê hương của người dân Cẩm Lương.
Từ suối Ngọc men theo dãy núi Trường Sinh, đi khoảng 200 m , ta sẽ gặp động Ðăng - một hang động được tạo nên do hiện tượng Ca-xtơ xâm thực. Cửa động Ðăng cao khoảng 7 m, rộng 8 m có lối vào thoải mái, dễ đi. Trong động, những khối thạch nhũ sáng lấp lánh từ vách động, vòm động rủ xuống, tạo nên những bức tranh tuyệt mỹ. Ðường vào động sâu thẳm, với hai lối đi chính, một lối rẽ xuống mó Ngọc, suối Ngọc, còn lối kia sẽ dẫn đến động Tăng.
Từ động Ðăng, đi bộ gần hai giờ, ta sẽ đến động Tăng. Ðây là hang động trên sườn núi Trường Sinh cao khoảng 10 m tính từ chân núi. Vòm cửa động cao khoảng 10 m, rộng 12 m. Ðộng Tăng đẹp, hài hòa, với sự bài trí của một ngôi chùa. Những khối thạch nhũ trong động được tạo nên như có bàn tay con người sắp đặt, có cấu trúc như bệ tam thế. Vào các ngày lễ Tết, bà con tổng Mông Sơn và khách thập phương vẫn thường đến đây làm lễ cầu phúc
Khám phá suối cá thần
Suối cá thần Cẩm Lương là hiện tượng thiên nhiên kỳ thú có từ hàng trăm năm nay bên chân núi Trường Sinh, thuộc bản Ngọc, xã Cẩm Lương, huyện miền núi Cẩm Thuỷ (cách trung tâm TP Thanh Hoá gần 100 km về phía Tây Bắc).
Huyền thoại về suối cá thần
Huyền thoại kể rằng: Ngày xửa, ngày xưa, nơi bản Ngọc thời khai thiên, lập địa, vào một năm nọ, thời tiết khắc nghiệt, hạn hán quanh năm, người dân túng đói vô ngần. Một hôm, có hai vợ chồng trong bản hiếm muộn con đi làm đồng vô tình nhặt được một quả trứng có hình thù lạ. Người vợ đem quả trứng ra suối Ngọc thả xuống nước, nhưng lạ thay, khi nhấc tay lên người ấy lại thấy quả trứng đang trên tay mình.
Hai vợ chồng quyết định đem quả trứng lạ đặt vào ổ gà đang ấp, quả trứng nở ra một con rắn. Sợ quá, người chồng đem con rắn ra suối Ngọc thả, nhưng cứ đến tối con rắn lại về ở với gia đình này. Sau đó họ đã để con rắn ở lại sinh sống với mọi người.
Lạ thay, từ đó đồng ruộng của bản đủ nước cày cấy, đồng bào sống trong no ấm, hạnh phúc. Chàng rắn ấy trở thành vị cứu tinh của bản nên được mọi người hết lòng tôn kính. Rồi một hôm định mệnh, trời nổi cơn giông, sấm chớp đùng đùng. Sau cơn giông, dân bản thấy xác chàng rắn nằm bên chân núi Trường Sinh, đầu hướng về bản Ngọc.
Thương tiếc chàng rắn, dân bản chôn cất chàng bên chân núi, lập đền thờ gọi là Ngọc Từ. Trong một buổi tế lễ, đồng bào bản Ngọc được thần báo mộng chàng rắn chết là do quyết chiến với thuỷ quái để bảo vệ dân bản. Sau này chàng rắn được phong thần gọi là: Tứ Phủ Long Vương. Từ đó, ở suối Ngọc bên chân núi Trường Sinh xuất hiện đàn cá thần hàng nghìn con luôn quây quần chầu trước đền Ngọc Từ để hầu hạ chàng rắn.
Một ngày du ngoạn, khám phá suối cá thần
Theo những phân tích của các nhà ngư loại học gần đây, đàn cá hàng nghìn con lớn, nhỏ ở suối cá Cẩm Lương gồm các loài: Cá dốc (có tên khoa học là Spinibarbichthys denticulatus- thuộc bộ cá chép, có tên trong sách đỏ Việt Nam); cá chài, cá mại. Hình thù các loài cá này rất lạ, màu sắc phong phú như: màu đỏ, xanh, hồng...
Mỗi khi bơi, thân cá thần phát sáng nhiều màu, lấp lánh ánh bạc trông thật vui mắt, ấn tượng. Đặc biệt, đàn cá thần rất thân thiện với con người. Mỗi khi đồng bào ra suối Ngọc rửa rau, vo gạo, ai cũng nhớ thả cho đàn cá thần một ít rau, ít gạo. Hàng ngày, cá thần nhảy lên khỏi mặt nước vui đùa cùng du khách.
Vào mùa nước cạn, lòng suối Ngọc chỉ sâu khoảng 20- 40cm, nước trong vắt, du khách có thể đưa tay xuống nước mơn man, vuốt ve những con cá thần to như bắp chân, bắp tay. Đây là điều kỳ thú, hấp dẫn, nên đã thu hút hàng nghìn lượt du khách trong, ngoài nước đến suối cá thần Cẩm Lương mỗi năm.
Bên cạnh suối cá thần, xã Cẩm Lương hiện đang còn giữ được nguyên vẹn hệ thống rừng nguyên sinh với các loài động, thực vật đặc trưng của vùng nhiệt đới, thuộc dãy núi đá vôi Pù Luông - Cúc Phương. Đồng bào dân tộc Mường nơi đây với những nếp sinh hoạt văn hoá truyền thống như: dệt thổ cẩm, uống rượu cần, múa Pồn Pông... sẽ là điểm nhấn để thu hút du khách. Đặc biệt, dọc dãy núi Trường Sinh hiện còn có nhiều hang động nguyên sơ chưa được khám phá.
Để đến suối cá thần, du khách có thể đi trên quốc lộ 217, nối từ Đò Lèn, cạnh quốc lộ 1A về cầu treo Cẩm Lương; hoặc đi theo đường Hồ Chí Minh, đến thị trấn Cẩm Thuỷ rồi rẽ lên quốc lộ 217. Những du khách yêu thích sông nước thì sẽ có dịp đi đường thuỷ dọc sông Mã, từ cầu Hàm Rồng lịch sử (TP Thanh Hoá) lên địa danh Cửa Hà - Cẩm Thuỷ nên thơ, hùng vĩ.
0 comments:
Post a Comment